Hà Tĩnh đột phá cải cách hành chính bằng đẩy mạnh ứng dụng CNTT
15/11/2022 08:31
ải cách hành chính(CCHC) là yếu tố then chốt trong chiến lược đổi mới và xây dựng tỉnh Hà Tĩnh không chỉ thoát nghèo mà trở nên năng động hơn, phát triển toàn diện hơn, trong đó việc ứng dụng CNTT hiện đại hóa nền hành chính là điểm đột phá, làm thay đổi căn bản phương thức, lề lối và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hà Tĩnh đột phá cải cách hành chính bằng đẩy mạnh ứng dụng CNTT

Tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2011, Hà Tĩnh phê duyệt đề án xây dựng chính quyền điện tử cấp tỉnh, là tỉnh đầu tiên cụ thể hóa khung kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh bằng văn bản.

       Theo đó, các chương trình, dự án đầu tư ứng dụng CNTT hằng năm trong cơ quan nhà nước được quan tâm, tập trung đầu tư, nhanh chóng kết nối liên thông đảm bảo môi trường chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp và quản lý trực tuyến trên mạng từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh.

       Hà Tĩnh được Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội tin học Việt Nam đánh giá cao công tác tổ chức, quản lý hoạt động ứng dụng CNTT trong CQNN thông qua kết quả đánh giá về tính sẵn sàng và mức độ ứng dụng CNTT (luôn được xếp trong tốp đầu của cả nước), đặc biệt là về môi trường chính sách và nhân lực cho ứng dụng CNTT.

      Tại hội thảo "Dịch vụ công trực tuyến trong nâng cao vị thế cạnh tranh, hội nhập" được tổ chức tại Hà Tĩnh (tháng 3/2015), các diễn giả đã tập trung đánh giá thực trạng, vai trò cũng như những kinh nghiệm, giải pháp nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Năm dịch vụ công trực tuyến 2015, tiến tới xây dựng thành công chính quyền điện tử các cấp

      Đến nay, Hà Tĩnh có đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, lãnh đạo CIO từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường bảo đảm theo tiêu chuẩn nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, được tập huấn bồi dưỡng hằng năm và được hưởng chính sách đặc thù riêng cho cán bộ chuyên trách CNTT.

     Hệ thống văn bản trung ương đến tỉnh được cập nhật kịp thời; hạ tầng truyền dẫn bảo đảm kết nối cáp quang đến 100% xã phường; hệ thống mạng LAN, internet và trang thiết bị CNTT được đầu tư.

     Nhiều sở, ngành đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như: CSDL người có công, CSDL quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, CSDL quản lý thông tin truyền thông, nội vụ, quản lý thuế, quản lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý lý lịch tư pháp, quản lý khoa học…

Cải thiện chỉ số CPI, PAR index

    Năm 2015 được tỉnh xem là “Năm Dịch vụ công trực tuyến”, với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ công chức về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo môi trường công khai, minh bạch và bình đẳng; giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính; góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR index của tỉnh.

    Các chương trình, dự án thực hiện kế hoạch “Năm dịch vụ công trực tuyến” đã được triển khai đồng bộ. Cùng với kế hoạch của tỉnh, các sở ban ngành, UBND cấp huyện đã sây dựng, triển khai các dự án đầu tư ứng dụng CNTT trong đó có hạng mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng phần mềm nền dịch vụ công trực tuyến” để triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh.

    Năm 2015, có 9 đơn vị cấp tỉnh, 13/13 đơn vị cấp huyện đã và đang triển khai dự án đầu tư CNTT, với kết quả là triển khai thành công 386 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, trong đó các cơ quan cấp tỉnh cung cấp 114 dịch vụ công, UBND các huyện, thị xã cung cấp 272 dịch vụ công; 100% thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh mới ban hành năm 2015 được cập nhật và cung cấp ở mức độ 2 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và cổng/trang TTĐT của các cơ quan đơn vị; các ngành Hải quan, Thuế, Bảo hiểm xã hội đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

    Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có thêm 169 DVC TT mức độ 3 được đưa vào sử dụng: Văn phòng UBND tỉnh 34 dịch vụ trên 6 lĩnh vực, Sở TT-TT 20 dịch vụ trên 3 lĩnh vực, Sở KH-ĐT 6 dịch vụ trên 2 lĩnh vực, Sở Nội vụ 13 dịch vụ trên 2 lĩnh vực, UBND Thành phố Hà Tĩnh 19 dịch vụ trên 4 lĩnh vực, UBND huyện Nghi Xuân 18 dịch vụ trên 5 lĩnh vực, UBND huyện Hương Sơn 16 dịch vụ trên 3 lĩnh vực, UBND huyện Lộc Hà 39 dịch vụ trên 2 lĩnh vực, UBND huyện Hương Khê 14 dịch vụ trên 2 lĩnh vực. Năm 2016, tiếp tục triển khai 108 DVC trực tuyến tại 8 sở, ngành, đơn vị.

   Cổng TTĐT của tỉnh (hatinh.vn) được tổ chức quản trị và hoạt động hiệu quả, cung cấp kịp thời thông tin hoạt động của tỉnh, dịch vụ công trực tuyến và tháng 9 vừa qua đã công bố, đưa vào hoạt động chuyên mục “Doanh nghiệp hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời” nhằm tạo kênh trao đổi thông tin trực truyến giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp, được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, hưởng ứng. Bên cạnh đó Sàn Thương mại điện tử của tỉnh (http://hatinhonline.vn/) cũng được nâng cấp, cải tiến về công nghệ, tổ chức vận hành và phương pháp phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá các sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực và nông sản.

    Những giải pháp giai đoạn tới

     Để tạo bước đột phá, phát huy cao độ vai trò động lực của CNTT trong CCHC, đưa dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ở hầu hết các lĩnh vực đến với mọi người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư, giảm thiểu chí phí khi giải quyết thủ tục hành chính, góp phần thay đổi diện mạo và vị thế của tỉnh trong quá trình hội nhập, trong giai đoạn tới Hà Tĩnh tiếp tục triển khai một số giải pháp sau:

     Thứ nhất: Phát huy cao nhất vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị đối với việc ứng dụng CNTT trong hoạt động CCHC, đặc biệt chú trọng việc cung cấp và giải quyết thủ tục hành chính qua mạng. Có cơ chế chính sách và chế tài mạnh trong hoạt động này. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình ứng dụng CNTT, tránh chồng chéo, trùng lắp. Nâng cao vai trò, năng lực của cơ quan chuyên trách CNTT của tỉnh.

    Thứ hai: Tăng cường và không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho nhân dân và doanh nghiệp; cần có các chương trình cụ thể về đào tạo kỹ năng khai thác Internet và thủ tục hành chính qua mạng; xem xét việc xây dựng các ki-ốt thông tin công cộng gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cung cấp thông tin, công khai các hoạt động của cơ quan nhà nước trên các trang/cổng TTĐT.

    Thứ ba: Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin dùng chung trong các ngành, các cấp, trong đó chú trọng hướng thuê dịch vụ nhằm nâng cao tính đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả đầu tư và giảm chi phí đầu tư ban đầu. Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước theo hình thức PPP và cho thuê dịch vụ CNTT...

    Thứ tư: Tiếp tục quan tâm nhiều hơn, mạnh mẽ hơn việc ứng dụng CNTT ở CQNN cấp xã, nhất là các xã miền núi, miền biển, vùng khó khăn, biên giới; các xã về đích trong xây dựng NTM hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn, thành thị.

    Thứ năm: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, không ngừng nâng cấp, phát triển và liên kết sàn thương mại điện tử của tỉnh với các sàn lớn trong và ngoài nước để mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của tỉnh. Tiếp tục xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong các khu kinh tế, các cụm công nghiệp và dịch vụ logistics nhằm tạo động lực cho phát triển.

Nguồn: baohatinh.vn